Trong 10 năm lại đây, Quản trị, quản lý và đánh giá chất lượng giáo dục ở nước ta thực sự được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ. Đặc biệt, sau khi Bộ Giáo dục & Đào tạo (GDĐT) cập nhật, ban hành các Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục ĐH (GDĐH) và chương trình đào tạo (CTĐT).
Các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng tập trung đánh giá các điều kiện tối thiểu, đảm bảo vận hành có chất lượng của các cơ sở GDĐH và CTĐT, các tiêu chí đánh giá từ việc xác định chiến lược phát triển và mục tiêu giáo dục, xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng, quá trình triển khai đến kết quả thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Đây có thể coi là một trong ít các chính sách được triển khai nhanh chóng và hiệu quả nhất của ngành Giáo dục.
Tính đến hết tháng 05/2023, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Học viện) đã tái kiểm định thành công chất lượng của CSGD theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD và ĐT ban hành; kiểm định thành công 10 CTĐT theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA của mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á (ĐNA). (Xem chi tiết: https://dbcl.vnua.edu.vn/ket-qua-kiem-dinh/ket-qua-kiem-dinh-co-so-giao-duc-va-chuong-trinh-dao-tao/)
Theo chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Học viện đã xây dựng kế hoạch năm 2023 triển khai tự đánh giá các 10 CTĐT, phấn đấu và đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025, 50% chương trình đào tạo đại học hoàn thành tự đánh giá và đến năm 2030, 100% chương trình đào tạo đại học hoàn thành tự đánh giá.
Kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam đã có “chuyển động tích cực”, tác động đến chất lượng của các CSGD
Tác động trực tiếp của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) trong những năm qua có thể ghi nhận với các “chuyển động tích cực” đáng kể của Học viện Nông nghiệp Việt Nam:
Thứ nhất: Hệ thống văn bản quản lý điều hành, hướng dẫn đã tương đối đầy đủ
Những quy định về KĐCL GDĐH đã được đưa vào Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ GDĐT và hướng dẫn của Cục Quản lý chất lượng.
Qua đó, Học viện đã có căn cứ để triển khai hiệu quả công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài chất lượng giáo dục, đưa hoạt động đảm bảo chất lượng bước đầu đi vào nề nếp.
Thứ hai: Giảng dạy ĐH bắt đầu có tính chuyên nghiệp
Với tiếp cận đánh giá chất lượng vừa qua, Học viện đã triển khai tập huấn, hướng dẫn và hầu hết giảng viên của các khoa, bộ môn được làm quen với khái niệm chuẩn đầu ra, dạy học dựa vào chuẩn đầu ra và phải đạt được chuẩn đầu ra. Vậy nên tính chuyên nghiệp và hiệu quả dạy học được cải thiện. Các giảng viên đã tham gia thực hiện xây dựng chuẩn đầu ra cho CTĐT, các học phần gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Mục tiêu, triết lý dạy học có định hướng rõ ràng hơn, dạy học có nghề hơn. Đó là những yếu tố cơ bản nhưng rất quan trọng về tính chuyên nghiệp trong GDĐH. Người học và nhà sử dụng lao động được hưởng lợi từ những cải tiến này rất nhiều.
Thứ ba: Quản trị ĐH bắt đầu được quan tâm
Rút kinh nghiệm từ kỳ đánh giá chu kì thứ nhất, Học viện đã đầu tư vào việc xác định sứ mạng, tầm nhìn và định hình rõ chiến lược phát triển, có các chỉ số thực hiện cụ thể, vừa phù hợp với xu thế phát triển, yêu cầu của đất nước và nguồn lực của đơn vị trong chu kì thứ hai.
Ngoài các mô hình ĐH định hướng nghiên cứu, ứng dụng, Học viện đã tiếp cận mô hình ĐH định hướng đổi mới sáng tạo, nêu cao tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, từng bước đào tạo cá thể hoá và quan tâm đến các giá trị xã hội mới.
Từ đó, GDĐH nước ta đã phát triển toàn diện và hội nhập hơn. Việt Nam ngày càng có nhiều cơ sở GDĐH có tên trên bản đồ ĐH thế giới.
Thứ tư: Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của Học viện được xác lập
Với sự quan tâm của Chính phủ, năm 2022, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và KĐCLGD đối với GDĐH và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 – 2030”.
Học viện đã chủ động xây dựng Hệ thống phần mềm quản lý minh chứng và cơ sở dữ liệu giúp hệ thống các thông tin, cơ sở dữ liệu một cách chuyên nghiệp, đầy đủ. Từ đó, đảm bảo chất lượng bên trong từ hoạt động dạy học, chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất đến kết quả đầu ra và đề xuất các hoạt động cải tiến nâng cao chất lượng.
Đặc biệt, Học viện cũng đã quan tâm nhiều đến việc khảo sát các bên liên quan về mức độ hài lòng với các tất cả hoạt động.
Đó là những thông tin, con số biết nói, giúp các cơ sở GDĐH nhận diện để cải tiến chất lượng, từng bước xây dựng và hình thành văn hóa chất lượng của mình.
Qua việc hình thành “Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong”, Học viện đã giúp các cán bộ, đơn vị, khoa chuyên môn nhìn nhận được tầm quan trọng của KĐCLGD, không còn đối phó, coi giấy chứng nhận KĐCLGD là đích đến, mà là việc đảm bảo chất lượng bên trong và không ngừng phấn đấu để ngày càng tốt hơn sau KĐCLGD.
Thứ 5: Thông tin về chất lượng giáo dục bắt đầu được hình thành
Kết quả đánh giá chất lượng mặc dù chỉ mới phản ánh mức độ đạt được các yêu cầu tiêu chuẩn kiểm định ở mức tối thiểu, nhưng là những thông tin rất cơ bản đối với người học, nhà tuyển dụng lao động và các cấp quản lý.
Học viện đã công khai các thông tin này thông qua cổng thông tin của Bộ GDĐT, của các trung tâm KĐCLGD và của cơ sở GDĐH; thực hiện được ba công khai và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH, đồng thời tạo được sự yên tâm và tin tưởng của các bên liên quan.
Trong tương lai gần, Học viện sẽ phấn đấu tham gia thực hiện một số kênh đánh giá chất lượng khác như xếp hạng (THE, QS, Webometrics…) và xếp hạng đối sánh (U-multirank, QS stars, UPM…). Đây là xu thế đo lường chất lượng tích hợp hiện nay trên thế giới.
Các phương pháp đánh giá này hỗ trợ thêm cho các hoạt động KĐCLGD, có thể đối sánh, đánh giá thêm được mức độ xuất sắc của cơ sở GDĐH và CTĐT, đồng thời bổ sung một số tiêu chí, chỉ số đánh giá mới, phản ánh xu thế chuyển đổi của GDĐH, góp phần nhận diện thương hiệu.
Bên cạnh các chuyển biến tích cực, kiểm định chất lượng giáo dục tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do:
Thứ nhất: Các quy định chưa được tích hợp và cập nhật
Mặc dù KĐCLGD đang tiến hành đánh giá các điều kiện tối thiểu, nhưng các tiêu chuẩn ấy đang nằm phân tán trong nhiều văn bản và chậm được cập nhật, từ quy định tỉ lệ giảng viên/người học, đến yêu cầu về thư viện, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ đối với từng CTĐT… Các tiêu chuẩn này lại được áp dụng qua các lăng kính ít nhiều khác nhau của các tổ chức KĐCLGD, các đoàn chuyên gia đánh giá nên cũng tạo ra một số khác biệt.
Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng phải như một cẩm nang, trong đó có quy định cả quản trị ĐH, CTĐT, giảng viên, cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, cho phép đánh giá năng lực thực, kết quả thực chứ không chỉ đánh giá như ISO, quy trình, chính sách.
Thứ hai: Năng lực tư vấn đảm bảo chất lượng chưa đạt ngưỡng
Việc học tập và tiếp thu các mô hình ĐH, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, phương pháp đánh giá cũng còn mới ở giai đoạn đầu. Đội ngũ chuyên gia tập huấn, hướng dẫn công tác đảm bảo chất lượng còn ít và mới, mặc dù rất nhiệt tình, có trách nhiệm nhưng cũng mới chỉ đủ sức quan tâm đến việc hướng dẫn xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng bên trong và chuẩn bị báo cáo tự đánh giá.
Việc thực thi xây dựng và đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra và quản trị ĐH vẫn còn là thách thức lớn, chưa đạt ngưỡng, dẫn đến sản phẩm đảm bảo chất lượng vẫn còn ở giai đoạn trung gian, nhiều khi còn hình thức. Một số tiêu chuẩn, tiêu chí vẫn đang được hiểu khác nhau, chưa có thực tiễn.
Thứ ba: Thông tin đối sánh nghèo nàn
Trong thời đại thông tin như hiện nay, nếu chú ý tìm kiếm thông tin đối sánh, so chuẩn chất lượng giáo dục cũng không phải là việc khó, tuy nhiên các cơ sở GDĐH chưa thực sự quan tâm, đồng thời chưa được hỗ trợ từ các trung tâm KĐCLGD và cơ quan quản lý nhà nước. Thiếu cơ sở dữ liệu đối sánh, nhiều hoạt động không có định hướng, chưa có mốc chuẩn tham chiếu.
Đó là chưa kể đến việc có được cơ sở dữ liệu, thông tin đối sánh sẽ giúp các cơ sở GDĐH tiếp cận các trường hợp thực hành tốt, các hình mẫu để cải tiến. Hệ thống thông tin đảm bảo chất lượng chưa có thông tin về hoạt động của toàn bộ hệ thống, chưa đảm bảo hệ thống được vận hành thông suốt, chưa thông báo kịp thời những trục trặc có thể xảy ra để có phương án khắc phục.
Thứ tư: Bác sỹ đo lường chất lượng giáo dục chưa cao tay
Các chuyên gia đánh giá ngoài hiện nay chủ yếu là các giảng viên, các nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, trưởng thành từ hệ thống ĐH nước nhà. Mặc dù đã được tham gia các khoá huấn luyện và sát hạch kiểm định viên, nhưng nội dung huấn luyện cũng chưa toàn diện lắm.
Nhiều chuyên gia chưa có khả năng phát hiện ra các “lỗi” của hệ thống. Nhiều đoàn chuyên gia đánh giá cơ sở giáo dục có thể phát hiện được đến hàng trăm lỗi kỹ thuật, nhưng để có thể tư vấn để cơ sở GDĐH phát triển hiệu quả thì cũng còn nhiều thách thức.
Trong lúc các chuyên gia luôn yêu cầu các cơ sở GDĐH phải đối sánh, thì trong hành trang của các chuyên gia thông tin đối sánh cũng rất nghèo nàn. Do đó khả năng các chuyên gia nhận xét và mang đến cho các cơ sở GDĐH các trường hợp thực hành tốt, các tư vấn khả thi, có giá trị cũng chưa nhiều.
Qua những nhận diện và đánh giá về kiểm định chất lượng Việt Nam, Học viện Nông nhgiệp Việt Nam sẽ cần nhìn nhận lại về điểm mạnh điểm yếu của mình có những hướng đi phù hợp giúp phát triển và cải tiến hơn nữa chất lượng giáo dục.
Tham khảo báo Giáo dục và Thời đại: Nhận diện kiểm định chất lượng Việt Nam và hướng đi (https://giaoducthoidai.vn/nhan-dien-kiem-dinh-chat-luong-viet-nam-va-huong-di-post630088.html)