Bảng xếp hạng Webometrics do Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha) thực hiện từ năm 2004, bao gồm hơn 28.000 cơ sở giáo dục đại học toàn cầu. Webometrics đưa ra công bố xếp hạng vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm.
Các tiêu chí xếp hạng của Webometrics:
- Mức độ xuất hiện – Presence: Chỉ số về lượng tài nguyên số hoá được đăng tải trực tuyến. Dữ liệu lấy từ Google Search. Đây là chỉ số đánh giá về quy mô website và tài nguyên số của cơ sở giáo dục đại học.
- Mức độ ảnh hưởng- Visibility: Chỉ số về số lượng đường liên kết trỏ tới website của trường đại học. Dữ liệu lấy từ Ahref và Majestic. Đây là chỉ số đánh giá mức độ ảnh hưởng của hệ thống website của trường đại học.
- Độ mở tài nguyên học thuật – Transparency: Chỉ số về lượng trích dẫn của 210 nhà khoa học hàng đầu của cơ sở giáo dục đại học có hồ sơ trên Google Scholar (không tính số trích dẫn của 20 nhà khoa học có trích dẫn cao nhất). Dữ liệu lấy từ Google Scholar. Đây là chỉ số liên quan đến mức độ lan toả về học thuật của trường đại học.
- Mức độ xuất sắc – Excellence: Chỉ số xếp hạng lượng bài báo của nhà trường trong nhóm 10% bài báo được trích dẫn nhiều nhất thuộc 27 nhóm lĩnh vực chuyên môn trong cơ sở dữ liệu Scopus (giai đoạn 2015-2019). Số liệu theo xếp hạng của Tạp chí SCImago (chỉ số SJR). Đây là chỉ số đánh giá chất lượng các công trình nghiên cứu đỉnh cao của trường đại học.
Trọng số của từng tiêu chí xếp hạng trên bảng xếp hạng Webometrics:
Từ trước năm 2021, Webometrics xếp hạng các trường Đại học dựa vào 4 tiêu chí trên với trọng số lần lượt là: 5% – 50% – 10% – 35%.
Từ năm 2021, Webometrics đã lược bỏ tiêu chí (1) – Mức độ xuất hiện (Presence) và xếp hạng các trường đại học dựa trên 3 tiêu chí còn lại: Mức độ ảnh hưởng – Visibility (50%); Độ mở tài nguyên học thuật – Transparency (10%) và Mức độ xuất sắc – Excellence (40%).
Giải pháp nâng hạng cơ sở giáo dục đại học trên Websometrics
- Về tiêu chí Mức độ ảnh hưởng, các cơ sở giáo dục đại học (CSGD Đại học) cần chú trọng xây dựng và cải tiến website của mình bằng cách đăng tải các bài viết có nội dung phong phú, mang tính thời sự, có chất lượng, hữu ích với người đọc để tăng backlink tự nhiên và lượng truy cập.
- Về tiêu chí Độ mở tài nguyên học thuật, các cán bộ thuộc CSGD Đại họccần thường xuyên cập nhật công trình nghiên cứu khoa học (bài báo) của mình trên đó. Từ đó gia tăng sự ảnh hưởng của các bài báo khoa học trên không gian mạng internet.
- Về tiêu chí Mức độ xuất sắc, các đơn vị cần tăng cường số lượng các bài báo khoa học thuộc danh mục Scopus, viết bài review khoa học và chia sẻ các bài báo khoa học của Học viện trên không gian mạng internet để tăng lượng trích dẫn.