“Khó khăn nhất của hành trình khởi nghiệp là, học sinh sinh viên có chấp nhận rủi ro, thách thức; thậm chí là thất bại để đứng lên hay không” Đó là chia sẻ của TS Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” được tổ chức chiều 24/4 tại Hưng Yên.
Hội thảo do Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở GD&ĐT Hưng Yên tổ chức nhằm ươm mầm, nuôi dưỡng và khơi dậy những ý tưởng, niềm đam mê khởi nghiệp ngay từ THPT cho học sinh.
Tại sao nên khởi nghiệp?
Đặt vấn đề về khởi nghiệp từ nông nghiệp trong định hướng nghề nghiệp, TS Đàm Quang Thắng chia sẻ về vòng tròn Golden của Simon Sinek. Theo đó, có 3 câu hỏi cần được nghiên cứu gồm: Tại sao nên xem khởi nghiệp là một trong những lựa chọn? Làm thế nào để khởi nghiệp? Khởi nghiệp cần kiến thức gì?
Trả lời câu hỏi, tại sao nên khởi nghiệp? TS Đàm Quang Thắng nhấn mạnh, khởi nghiệp tạo ra cơ hội sáng tạo, giúp học sinh sinh viên trau dồi những bộ kỹ năng. Qua đó, có thể đóng góp cho cộng đồng, tạo cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cao và tự chủ, tự do.
“Khởi nghiệp nông nghiệp cần các kiến thức về nông nghiệp, phân tích thị trường; kiến thức về pháp luật và quy định liên quan đến ngành; về quản lý kinh doanh và quản lý rủi ro…”- TS Đàm Quang Thắng trao đổi.
Chia sẻ về một số khó khăn khi khởi nghiệp, TS Đàm Quang Thắng cho rằng, khó khăn lớn nhất nằm ở chính học sinh sinh viên. Các em có chấp nhận thách thức, rủi ro, thậm chí là thất bại để đứng lên hay không? Các em có đủ bản lĩnh và kiên nhẫn để vượt ra khỏi vòng an toàn hay không? Khi vượt qua những vấn đề này và vượt lên chính mình thì các em có thể khởi nghiệp.
“Có một nguyên tắc để khởi nghiệp thành công đó là dựa trên thất bại của chính mình và thất bại của người khác” – TS Đàm Quang Thắng nhìn nhận.
Hỗ trợ cho học sinh THPT khởi nghiệp
Tham luận tại Hội thảo, ThS. Đỗ Thị Kim Hương – Giám đốc Trung tâm Quan hệ công chúng và Hỗ trợ sinh viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ về Cuộc thi “Kiến thức công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo VNUA – 2023”. Cuộc thi nhằm phát hiện, bồi dưỡng những học sinh đam mê lĩnh vực khoa học công nghệ. Đồng thời khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.
Thí sinh tham dự cuộc thi này sẽ cộng điểm xét học bổng tài năng, học bổng khởi nghiệp. Các em còn có cơ hội được nhận giải thưởng và được cộng điểm để xét tuyển vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Vũ Ngọc Huyên – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam – cho hay, trong 67 năm qua, Học viện đã đào tạo cho đất nước gần 120.000 cán bộ trình độ đại học, gần 15.000 thạc sĩ và gần 700 tiến sĩ, cung cấp nguồn nhân lực cho khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đặc biệt, Học viện đặc biệt quan tâm đến công tác khởi nghiệp trong sinh viên. Từ năm 2014 đến nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị đăng cai tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thu hút hơn 1.200 dự án khởi nghiệp từ hàng trăm trường đại học, cao đẳng, trường THPT, các địa phương tham gia.
Ông Đỗ Tiến Hùng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên – viện dẫn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”. Theo đề án này, HSSV được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên đề nghị, các trường THPT, trung tâm GDTX tăng cường kết nối và hợp tác với Học viện trong đào tạo, định hướng nghề nghiệp và khởi nghiệp cho học sinh.
“Học sinh cần chủ động tìm hiểu và mạnh dạn trao đổi với các chuyên gia giáo dục, khởi nghiệp về cơ hội học tập, khởi nghiệp, lập nghiệp và định hướng tương lai” – ông Hùng khuyến cáo.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/nhung-tro-ngai-cua-hoc-sinh-sinh-vien-khi-bat-dau-khoi-nghiep-post635929.html