Hội thảo là sự kiện có ý nghĩa rất lớn, góp phần đưa ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý với lĩnh vực bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới hướng tới nông nghiệp sinh thái, nông dân thông minh và nông thôn hiện đại.
Sáng ngày 6/4, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Môi trường nông nghiệp, Nông thôn và Phát triển bền vững.
Hội thảo có sự tham dự của ông Quàng Văn Hương, ĐBQH Khoá XV, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội; Giáo sư Toru Wantanabe, Trưởng khoa Nông nghiệp, Đại học Yamagata, Nhật Bản; TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bà Trần Thị Bình, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra tỉnh Uỷ Hà Nam; GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo Học viện.. cùng các Cục, Vụ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo, đại biểu đại diện cho các Học viện, Trường Đại học, Viện Nghiên cứu; lãnh đạo Cơ quan quản lý lĩnh vực tài nguyên môi trường tại các địa phương.
Vai trò tiên phong, đi đầu của Học viện Nông nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Trọng Phương, Trưởng Khoa Tài nguyên và Môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đã đem lại những thay đổi lớn lao về đời sống, hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan môi trường cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế, xã hội là những sức ép và nguy cơ không nhỏ về ô nhiễm môi trường, đe doạ sự phát triển bền vững của khu vực nông nghiệp, nông thôn.
PGS.TS. Trần Trọng Phương, Trưởng Khoa Tài nguyên và Môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). |
“Môi trường nông nghiệp, nông thôn không những chịu sức ép trực tiếp từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân nông thôn mà còn chịu tác động từ hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu vực đô thị lân cận. Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi; nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản; chế biến nông sản, thực phẩm; phát triển làng nghề và tiểu thủ công nghiệp; chất thải rắn sinh hoạt nông thôn cộng với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, khó lường đã đe doạ trực tiếp tới chất lượng môi trường, cảnh quan thiên nhiên và sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn nước ta”, PGS.TS. Trần Trọng Phương cho biết thêm!.
Trước tình đó, theo PGS.TS. Trần Trọng Phương, bảo vệ môi trường là con đường tất yếu để phát triển bền vững nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh. Đề thực hiện tốt nhiệm vụ này cần phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiệt huyết với công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.
“Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn; trang bị kiến thức và nâng cao trách nhiệm bảo môi trường cho người nông dân và dân cư nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của các Trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu và các nhà khoa học trong thời gian tới”, PGS.TS. Trần Trọng Phương nhấn mạnh.
Tại Học viện Nông nghiệp, theo PGS.TS. Trần Trọng Phương, đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã và đang được Học viện Nông nghiệp Việt Nam đầu tư, chú trọng. Học viện đã đào tạo nguồn nhân lực môi trường ở cả 3 cấp độ đại học, cao học và tiến sĩ. Đội ngũ nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực môi trường, khoa học môi trường do Học viện đào tạo đã và đang có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh đối với đất nước.
Liên quan tới Hội thảo Môi trường nông nghiệp, nông thôn và Phát triển bền vững, PGS.TS. Trần Trọng Phương chia sẽ, Hội thảo được Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì tổ chức thể hiện vai trò tiên phong, đi đầu của Học viện trong nghiên cứu, đào tạo và giải quyết các vấn đề môi trường nông nghiệp, nông thôn. Hội thảo được kỳ vọng sẽ là nơi để các nhà khoa học, cán bộ giảng viên, học viên của các trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu; các chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước; các nhà quản lý, hoạch định chính sách của các Bộ, Sở, Ban ngành liên quan; Các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong cả nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm cũng như học thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.
Đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành TN&MT chất lượng cao
Việt Nam có khoảng gần 100 trường đại học, cao đẳng đào tạo các ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường (chiếm khoảng 20%); trong đó có khoảng 20 cơ sở đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.
Trong tổng số 100 cơ sở nêu trên có khoảng 30 cơ sở có khoa, viện và trung tâm nghiên cứu; 70 cơ sở chỉ mở một hoặc một số chuyên ngành đào tạo tài nguyên và môi trường như địa chất, khoáng sản, trắc địa, bản đồ, quản lý đất đai, viễn thám, khí tượng, thủy văn, quản lý môi trường, quản lý tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Các cơ sở này hằng năm đã đào tạo hàng trăm thạc sĩ và tiến sĩ, hàng nghìn kỹ sư về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đáp ứng được một phần nhu cầu nhân lực tài nguyên và môi trường ở một số lĩnh vực: đất đai, môi trường, địa chất và khoáng sản, khí tượng, thủy văn, đo đạc và bản đồ.
Tuy nhiên, công tác đào tạo về lĩnh vực tài nguyên và môi trường vẫn còn mất cân đối giữa các ngành, các cấp đào tạo, nhiều lĩnh vực quản lý mới của ngành chưa được các cơ sở đào tạo quan tâm mở ngành đào tạo kịp thời; hệ thống các cơ sở đào tạo thiếu đồng bộ và chưa có tính liên thông, liên kết cao; đội ngũ cán bộ có học hàm, học vị cao trong các cơ sở đào tạo đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu chưa được chuẩn bị để thay thế lực lượng đào tạo bài bản trước đây và đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, công tác đào tạo về lĩnh vực tài nguyên và môi trường chưa có quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo các ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường; việc đầu tư cơ sở, vật chất, đổi mới giáo trình, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ giảng dạy còn manh mún, dàn trải; chưa có chính sách thu hút học sinh vào học các chuyên ngành về tài nguyên và môi trường khó tuyển sinh
Để đào tạo nguồn nhân lực tài nguyên và môi trường đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), cần đổi mới tư duy về phát triển giáo dục trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và chiến lược phát triển nguồn nhân lực TNMT của đất nước. Các cơ sở đào tạo cần xây dựng tầm nhìn, sứ mạng và chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về TNMT. Đào tạo hướng về chất lượng có sự kết nối với cơ sở sử dụng người học và nhu cầu của xã hội. Các cơ sở đào tạo cần được tự chủ trong giáo dục và đào tạo để phát huy sáng tạo, linh hoạt thích ứng trong mọi tình huống.
GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). |
Ngoài ra, hiện đại hoá cơ sở vật chất tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn của Quốc gia và khu vực, có kiểm định và đánh giá chương trình đào tạo thường xuyên để cải tiến và nâng cao chất lượng.
“Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục và đào tạo. tăng cường kết nối đào tạo nghề với các cơ sở sản xuất và kinh doanh có hoạt động liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thực tập trải nghiệm và quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường tại các sở, phòng ban TNMT; tăng cường nghiên cứ khoa học và tổ chức các hội thảo trao đổi và chia sẻ kinh nghiệp trong nước và Quốc tế về ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường”, GS.TS. Trần Đức Viên nhấn mạnh.
Vì vậy, theo GS.TS. Trần Đức Viên, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong bối cảnh cách mạnh công nghiệp 4.0 là vấn đề hết sức cấp thiết, không chỉ vì bảo vệ môi trường sống của con người, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, mà còn vì nâng cao vị thế của văn hóa Việt Nam, sức cạnh tranh của nông sản Việt, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt, vì sự hưng thịnh của nông nghiệp, sự giầu có của nông dân, sự phát triển và bảo tồn các giá trị cốt lõi và trường tồn của làng quê Việt.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học Quốc gia chụp ảnh lưu niệm. |
Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được thành lập năm 1976 là Khoa có số lượng cán bộ đông nhất Học viện với 102 người. Khoa có 11 bộ môn, đào tạo 5 chuyên ngành Đại học (Quản lý đất đai, Quản lý Bất động sản, Quản lý Tài nguyên Môi trường, Khoa học Môi trường, Khoa học đất), 3 chuyên ngành sau đại học (Đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ các ngành: Quản lý đất đai, Khoa học Môi trường và Khoa học đất). Khoa có nguồn nhân lực chất lượng cao, thầy cô được đào tạo bài bản ở các nước nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Bên cạnh đó, về KHCN trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Khoa đã chủ trì và tham gia trên 36 đề tài cấp Nhà nước, dự án hợp tác quốc tế; chủ trì trên 100 đề tài cấp Bộ, tỉnh; hàng trăm đề tài cấp cơ sở, chuyển giao KHCN vào sản xuất ở hầu hết các tỉnh, thành trên toàn quốc cũng như các nước và tổ chức quốc tế.
Theo PGS.TS. Trần Trọng Phương, Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường, chiến lược đào tạo của khoa hướng đến tính đa ngành, cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng tốt, có tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng cao, có trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường…
Chiến lược phát triển khoa học công nghệ gắn với giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trong quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường lồng ghép với các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và những vấn đề môi trường toàn cầu.
Hoạt động khoa học công nghệ của Khoa Tài nguyên và Môi trường tập trung nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật trong quản lý tài nguyên và môi trường; ứng dụng nguyên lý trong thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển công nghệ, giải pháp phục vụ cho phát triển bền vững.
Trải qua 48 năm xây dựng và phát triển, nhiều lớp thế hệ sinh viên của Khoa Tài nguyên và Môi trường đã trưởng thành và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, địa phương. Không ít sinh viên tài năng của Khoa đã trở thành lãnh đạo tại các cơ quan của Bộ Tài nguyên Môi trường, các tỉnh, thành phố… Trong đó, cựu sinh viên của khoa cũng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng của đất nước. Với bề dày lịch sử và truyền thống tốt đẹp, khoa tiếp tục đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước.
Văn Thanh-https://tainguyenvamoitruong.vn/