Cô gái Việt giành học bổng xứ kiwi: Những “bí mật” đất khách được tiết lộ

New Zealand nằm ở Tây Nam Thái Bình Dương, rộng hơn 27.000 km2, trung bình 1km2 chỉ có 12 cư dân sinh sống. Là nơi dấu chân người đặt đến sau cùng, nơi đây vẫn giữ được vẻ nguyên sơ với những phong cảnh thiên nhiên đẹp nhất thế giới. Xứ sở này có ít thành phố, con người sống hòa mình với thiên nhiên.

Là nước phát triển với thu nhập bình quân đầu người cao, nhưng New Zealand khác biệt hẳn so với các nước phồn thịnh khác là tỷ trọng nông nghiệp rất lớn. Nông nghiệp ở New Zealand là ngành lớn nhất và nổi tiếng nhất của đất nước này trên thế giới. Các trang trại trồng trọt, chăn nuôi trải dài khắp New Zealand.

Vi Kim Chi (sinh năm 1995, Hà Nội), cựu sinh viên lớp Rau hoa quả và Cảnh quan khóa 57 – khoa Nông học –  Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đã xuất sắc giành Học bổng Chính phủ New Zealand năm 2019 đến đất nước này và hiện là du học sinh ngành Khoa học Thực vật tại ĐH Massey. Cuộc sống du học đã cho cô gái Việt những trải nghiệm vô cùng thú vị ở đất nước này.

PV Dân trí kết nối trò chuyện với Kim Chi:

Chào Kim Chi, động lực nào thôi thúc em đến New Zealand – một đất nước vốn được xem là khá yên bình, để học bậc Thạc sĩ tại Đại học Massey?

Em sinh ra và lớn lên trong con phố chật hẹp ở thành phố lớn, nên em yêu thích những nơi yên bình và gần gũi với thiên nhiên. Một lần tình cờ xem được chương trình giới thiệu về xứ sở kiwi trên tivi, em đã ấp ủ mong ước một ngày được đứng ở những cánh đồng cỏ dường như bất tận, những hồ nước màu xanh ngọc bích và những dãy núi tuyết hùng vĩ ấy.

Những năm sau đó, em biết đến những thông tin về New Zealand là một đất nước có những chính sách phát triển theo hướng bền vững, bảo tồn thiên nhiên, cân bằng giữa phát triển kinh tế và các tác động đến môi trường. Điều đó gây tò mò và thôi thúc em một ngày được trải nghiệm cuộc sống tại đây.

Mong ước đó có lẽ đã mãi chỉ là ước mơ với điều kiện kinh tế của gia đình em. Em biết là th con đường duy nhất đến với em là giành được học bổng du học. Em đã tìm hiểu về các trường đại học, hướng nghiên cứu của các trường, bài báo của thầy hướng dẫn hiện tại ở Đại học Massey đã thu hút em.

Hướng nghiên cứu mà thầy và nhóm nghiên cứu đang tập trung là giảm thiểu những tác động tiêu cực từ sản xuất nông nghiệp đến môi trường và phát triển theo hướng bền vững, đây chính xác là hướng đi mà em muốn theo đuổi. Do đó, em đã chọn Đại học Massey. Nó đã một phần giúp thuyết phục được hội đồng đánh giá trao cho em học bổng Chính phủ trong 2 năm học thạc sĩ.

Đại học Massey – nơi cô gái Việt học tập.

Cảm xúc của em khi  đặt chân đến đất nước “trong giấc mơ” của mình để du học?

Được đến học tập tại New Zealand giống như em đang được sống trong giấc mơ, em đã mơ rất nhiều năm. Nhưng những tháng ngày mới sang, em như bị “vỡ mộng”.

Bên này các cửa hàng ngoại trừ siêu thị đóng cửa từ 5h chiều, hàng quán thưa thớt, cuối tuần 4 rưỡi chiều đã hết xe bus, 6h chiều ở ngoài đường đã vắng tanh. Em đã quen sống ở thành phố, khi mới sang chưa quen nếp sống, em lại học ở thành phố nhỏ thì thấy rất buồn.

Ngày mới bay sang được một hôm, em đã để quên ipad ở bên xe bus khi đi chợ. Sau đó, em tìm mua một cái ipad cũ khác trên mạng thì bị lừa tiền.

New Zealand đẹp yên bình như một bức tranh.

Việc thuê nhà bên này cũng rất khác ở Việt Nam. Có thời điểm, trong 2 tháng, em chuyển 5 căn nhà.

Khi đi học, tiếng Anh New Zealand khá nặng, kể cả các bạn người Mỹ cũng thấy “tiếng Anh kiwi” khá khó nghe, nên trong những buổi học đầu tiên, du học sinh bọn em đều như “vịt nghe sấm”.

Chương trình sau đại học bên này lên lớp rất ít, có những môn cả một kì bọn em chỉ lên lớp 2 buổi, nhưng bài tập thì rất nhiều và liên tục. Lên lớp ít nên cơ hội kết bạn mới cũng ít, những tháng ngày mới sang rất cô đơn.

Vậy em có bắt nhịp được với việc học tập ở xứ người?

Việc học ở bên này dồn dập và không cho em được dừng lại, vì chỉ dừng lại một chút là em sẽ bị tụt lại phía sau.

Bài tập bên này cũng rất khác ở Việt Nam, ngành của em không phải thi cuối kì, nhưng phải viết nhiều bài luận suốt cả kì. Mỗi bài luận từ 2.500-5.000 từ, đòi hỏi phải đọc tài liệu và tự học rất nhiều.

Em làm đề tài thạc sĩ vào năm thứ 2, thường xuyên phải đi ra khu vực thí nghiệm ngoài trang trại để lấy số liệu, sau đó xử lý mẫu trong phòng thí nghiệm, có ngày phải đứng làm thí nghiệm 12 tiếng từ sáng sớm đến tối khuya.

Thời tiết New Zealand vào mùa hè thì nắng rất gắt, khi chuyển mùa thì gió thổi muốn bay người, với một đứa con gái như em, những tháng ngày lấy số liệu ngoài trời là những tháng ngày chẳng dễ dàng gì (cười).

Mỗi lần lấy mẫu thí nghiệm với số lượng hàng trăm mẫu, nếu không chuẩn bị, sắp xếp kĩ lượng, dự phòng mọi tình huống sẽ xảy ra, lấy sai số liệu hoặc thiếu số liệu sẽ xảy ra và khi đó thì không thể làm lại được nữa.

Những thách thức, trải nghiệm đó có “quá sức” với em ?

Giờ thì em đã vượt qua hết. Nhìn lại, có những khó khăn như vậy nên cuộc sống du học ở New Zealand thực sự rất đáng trân trọng với em. Cũng nhờ có những mệt mỏi và cô đơn, em mới nhận được tình thương từ rất nhiều người, những người xa lạ ở một nơi xa lạ giờ đây trở thành gia đình của mình.

Tuy em đã không may vì ngây thơ nên bị kẻ xấu lừa tiền, nhưng em cũng may mắn gặp được những người tốt. Sau nhiều lần chuyển nhà, em gặp được ông bà chủ nhà, những người bạn cùng nhà rất tốt, khi em ốm, họ chăm sóc em như người trong gia đình, cùng quây quần bên nhau trong những ngày lễ lớn.

Trong những kì nghỉ, Chi cùng các bạn đi khám phá những ngọn núi hùng vĩ ở New Zealand.

Giáng sinh năm ngoái, khi em đi làm, có một cô khách thấy em mệt, sau khi rời đi đã quay lại mua bánh và chuối cho em. Hay khi em nói là đã một năm rưỡi rồi em chưa được gặp người thân, một vị khách đã đến ôm và vỗ về em. Đôi khi chỉ là một cái ôm, một chút quan tâm đã xóa tan mọi mỏi mệt và nỗi nhớ nhà trong mỗi người con xa gia đình.

Cô gái Việt (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) tham dự chương trình trao đổi văn hóa khi ở với một gia đình bản địa kiwi trong kì nghỉ lễ Easter năm 2019 do trường Massey tổ chức.

Tại sao Kim Chi chọn ngành Khoa học thực vật chứ không phải ngành nào khác?

Em tin rằng không thể đánh đổi sự phát triển trước mắt bằng việc hủy hoại môi trường sống. Khi môi trường sống không còn, thì phát triển kinh tế không còn ý nghĩa gì nữa.

Khi nhắc đến New Zealand, mọi người sẽ nghĩ ngay đến những cánh đồng cỏ nuôi bò sữa. Đây là thế mạnh và mặt hàng xuất khẩu chính của New Zealand. Nhưng khoảng 80% lượng khí thải nhà kính N20 là đến từ các trang trại này.

Hậu quả của khí thải nhà kính và hiện tượng nóng lên toàn cầu là không còn bàn cãi. Do đó, phát triển bền vững, duy trì sự phát triển kinh tế và hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường là lý do chính để em bắt đầu đề tài này.

Kim Chi có thể chia sẻ rõ hơn cách em đã thuyết phục hội đồng đánh giá học bổng về hướng nghiên cứu của mình?

Sau khi xác định được trường có những dự án nghiên cứu phù hợp với mong muốn của bản thân, em đã phác thảo “research proposal” (đề xuất nghiên cứu) về việc sử dụng những giống cây trồng mới để giảm thiểu những tác động tiêu cực của các hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường trong khi vẫn duy trì năng suất, hiệu quả kinh doanh.

Biến đổi khí hậu và khí thải nhà kính không chỉ là vấn đề của riêng New Zealand hay Việt Nam, mà là vấn đề cấp thiết của toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam là một trong 10 nước sẽ chịu tác động nặng nề nhất bởi những hệ quả của biến đổi khí hậu.

Việc sử dụng các giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội ở mỗi nơi là phương án dễ áp dụng và có thể nhân rộng.

Phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những hướng nghiên cứu ưu tiên của học bổng chính phủ New Zealand. Và thông qua đề xuất nghiên cứu, hội đồng sẽ đánh giá được khả năng nghiên cứu của ứng viên.

Tính khả thi, cấp thiết và khả năng ứng dụng rộng rãi là cách em thuyết phục hội đồng.

Các chi phí thực nghiệm triển khai đề tài của em có đắt đỏ không?

Chính phủ New Zealand hàng năm đầu tư hàng triệu đô cho nghiên cứu những giải pháp giảm thiểu những tác động tiêu cực của sản xuất nông nghiệp đến môi trường.

Chi phí để thực hiện những thí nghiệm thuộc đề tài thạc sĩ của em khá đắt đỏ, nhưng may mắn nằm trong Dự án nghiên cứu được Ministry for Primary Industries (Bộ Các ngành công nghiệp cơ bản New Zealand) tài trợ, nên em không cần lo lắng đến chi phí thực hiện đề tài.

Có vẻ như “cá đã gặp nước” – em đã ở một đất nước rất phù hợp cho đề tài nghiên cứu thực sĩ của mình?

Em cũng thấy vậy! Phát triển bền vững là mục tiêu ưu tiên, nên Chính phủ thường xuyên tổ chức những hội thảo về giảm thiểu khí thải nhà kính để cập nhật những nghiên cứu mới nhất và đề xuất hướng nghiên cứu trong tương lai.

Hội sinh viên Việt Nam trong Club Day tại trường ĐH Massey năm 2019.

Đây là cơ hội để em gặp gỡ, trao đổi kết quả nghiên cứu và học hỏi những nhà nghiên cứu đầu ngành.

Đặc biệt, những nghiên cứu nổi bật nhất trên thế giới về phương pháp giảm thiểu khí N20 từ các đồng cỏ chăn nuôi gia súc đều đến từ New Zealand.

Với sự hỗ trợ của Chính phủ, diện tích đồng cỏ rộng lớn, hệ thống trang trại hoàn chỉnh và ổn định, các trang trại kết nối chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học, cùng bề dày nghiên cứu cơ bản và các nhà khoa học hàng đầu… New Zealand có các điều kiện thuận lợi nhất để phát triển những nghiên cứu ứng dụng và áp dụng kết quả của nghiên cứu rộng rãi.

Điều đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho đề tài của em được thực hiện ở quy mô lớn, điều kiện tương tự như các trang trại trong thực tế, từ đó, tăng tính khả thi và ứng dụng rộng rãi của nghiên cứu.

Điều gì khiến em ấn tượng nhất về giáo sư, thầy cô ở xứ sở kiwi?

Thầy cô và sinh viên ở bên này dường như không có khoảng cách, coi nhau như bạn bè, đồng nghiệp.

Khi gặp nhau hay gửi mail, chỉ đơn giản là “hi” rồi đến tên thầy/cô, chứ không cần chức danh Mr/Mrs/Ms. Cửa văn phòng các thầy cô luôn mở, các câu hỏi luôn được welcome (chào đón), không cần những câu hỏi liên quan đến học tập, chỉ đơn giản là chia sẻ về cuộc sống hay than nhiều bài tập quá, các thầy cô luôn sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ. Nếu trên lớp có gì không hiểu, chỉ cần mail nhờ giúp đỡ và đặt lịch hẹn, thầy cô sẵn sàng hướng dẫn 1:1.

Cuối mỗi buổi họp, em rất ấn tượng là giảng viên hướng dẫn luôn hỏi em là có hài lòng với kế hoạch không? Mọi đề xuất, mong muốn của sinh viên đều được tôn trọng, sinh viên là người thực hiện và cũng là người quyết định đề tài. Nhưng điều đó không có nghĩa là giảng viên hướng dẫn buông thả cho sinh viên làm một mình.

Giáo sư luôn theo dõi, đồng hành và động viên với sinh viên. Có những hôm em phải làm thí nghiệm đến tối muộn, thầy cũng ở lại làm cùng em, cùng em dầm mưa, thức đêm sửa bài cho em. Nhờ gặp những con người tuyệt vời, em cảm thấy nơi đây như một ngôi nhà thứ hai ở xứ lạ.

Kim Chi hoàn thành chương trình học dành riêng cho sinh viên được học bổng Chính phủ cùng các cô trong Ban hỗ trợ sinh viên quốc tế của trường ĐH Massey.

Đâu là điểm đột phá trong giải pháp giảm thiểu khí Nitơ ở đề tài thực sĩ của Kim Chi?

Khi ở Việt Nam, em có thời gian học tập và làm việc về ứng dụng công nghệ sinh học để chọn, tạo giống cây trồng. Lượng Nitơ (N) quá cao ở những loại cỏ truyền thống là nguyên nhân chính phát thải N từ các trang trại bò sữa. Có một số biện pháp khác như sử dụng các chế phẩm sinh học để ngăn N thải ra môi trường, nhưng những biện pháp này tốn thời gian, công lao động, chi phí cao và khó ứng dụng cho diện tích rộng như những đồng cỏ ở New Zealand.

Trong khi sử dụng cỏ thay thế thì chỉ cần trồng một lần, giải quyết được tận gốc nguyên nhân tạo ra khí thải nhà kính mà vẫn duy trì được sản lượng và chất lượng sữa. Từ đó, dễ áp dụng trong thực tế ở quy mô lớn.

Kim Chi (phải) tham gia nhóm sinh viên tình nguyện Massey guide tổ chức các sự kiện tại trường.

Nhóm nghiên cứu em đang làm việc cùng đã nghiên cứu cơ bản về loại cỏ thay thế này nhiều năm. Đề tài thạc sĩ của em là tiếp nối kết quả nghiên cứu cơ bản của nhóm ở quy mô trang trại.

Đề tài nghiên cứu của em có thể ứng dụng tại Việt Nam không vì ở Việt Nam cũng có không ít trang trại bò sữa?

Để ứng dụng nghiên cứu ra thực tế có rất nhiều biến số, do mỗi nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội khác nhau, đặc biệt là đối tượng cây trồng. Nhưng với em thì như Albert Einstein nói “The value of a college education is not the learning of many facts but the training of the mind to think” (Giá trị của một nền giáo dục đại học không phải là học được nhiều sự kiện mà là rèn luyện nên tư duy).

Nghiên cứu này cho em một cái nhìn tổng quan về cách ứng dụng nghiên cứu vào thực tế, cách những vấn đề trong thực tế quay trở lại thành câu hỏi cần nghiên cứu giải quyết, về phát triển theo hướng bền vững, cân bằng giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Mỗi hệ thống có một vấn đề riêng, giáo dục New Zealand dạy em cách xác định vấn đề cốt lõi và tìm ra hướng đi phù hợp để giải quyết.

Sau khi học xong Thạc sĩ em có kế hoạch nào chưa?

Em có mong muốn sẽ làm việc trong các tổ chức về cộng đồng và phát triển bền vững. Ngoài ra, giảng viên là một trong những kế hoạch của em.

Cảm ơn Kim Chi, chúc em thành công!

Thực hiện: Lệ Thu – báo Dantri.com.vn