Được tài trợ bởi Tổ chức Nuffic – Hà Lan, Trung tâm Đổi mới sáng tạo nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Tạo giống cây trồng, trường Đại học Wageningen, Hà Lan đã đồng tổ chức Khóa tập huấn “Phát triển chuỗi giá trị diêm mạch khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, Việt Nam” nhằm giúp các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà sản xuất (i) Nâng cao kỹ năng và kiến thức liên quan đến các yếu tố bất thuận trong sản xuất cây diêm mạch; (ii) Nâng cao kỹ thuật canh tác và quản lý dịch bệnh ở cây diêm mạch; (iii) Nắm bắt được mối tương quan giữa chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, đồng thời biết cách sắp xếp thứ tự ưu tiên, lập bản đồ và phân tích chuỗi giá trị diêm mạch tại Việt Nam.
Đoàn đại biểu tham dự sự kiện |
Khóa tập huấn “Phát triển chuỗi giá trị diêm mạch khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, Việt Nam (Strengthening quinoa value chain in the Mekong Delta, Vietnam)” diễn ra từ ngày 13 – 24/11/2023 thông qua hình thức online và trực tiếp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam thu hút cán bộ quản lý, giảng viên, nhà nghiên cứu khoa học, các sinh viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước thuộc lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng, bệnh cây, khoa học cây trồng, sinh lý thực vật, công nghệ sinh học, kỹ thuật canh tác và các lĩnh vực liên quan. Với sự tham gia nhiệt tình của các đại diện đến từ các trường đại học như Đại học Trà Vinh, Đại học Cần Thơ, Đại học Tây Nguyên, Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm kỹ thuật Hồ Chí Minh, Đại học Tây Bắc và Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho thấy sức hấp dẫn của chương trình Khóa tập huấn cũng như tinh thần ham học hỏi, nâng cao kiến thức và chuyên môn để phát triển chuỗi giá trị diêm mạch, một cây trồng mới nhiều tiềm năng này.
Khai mạc Khóa tập huấn là bài phát biểu của GS.TS. Trần Đức Viên – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ về mối quan hệ hợp tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Hà Lan và Việt Nam, cũng như những kết quả hợp tác thành công giữa trường Đại học Wageningen, Hà Lan và Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nông học, bảo vệ thực vật, môi trường và xây dựng các chương trình đào tạo, trong đó Giáo sư đánh giá cao tiềm năng về việc phát triển chuỗi giá trị cây diêm mạch cho các vùng khó khăn như hạn, mặn tại Việt Nam.
GS.TS. Trần Đức Viên phát biểu khai mạc Khóa tập huấn |
Sau chương trình khai mạc, Khóa tập huấn chính thức bắt đầu với chuỗi các nội dung đào tạo tập huấn như:
• Mô đun 1: Công nghệ nhân giống cây trồng đổi mới cho các yếu tố bất thuận trong sản xuất cây diêm mạch
• Giới thiệu về các yếu tố bất thuận trong sản xuất và những điều cần thiết để chọn giống có khả năng chống chịu với các yếu tố bất thuận đó.
• Nghiên cứu và thảo luận nhóm về cơ chế thích nghi của cây trồng trong điều kiện bất thuận.
• Công cụ lựa chọn giống có khả năng chống chịu yếu tố bất thuận trong sản xuất (1): Hạn hán.
• Công cụ lựa chọn giống có khả năng chống chịu yếu tố bất thuận trong sản xuất (2): Mặn và các điều kiện khác.
• Kỹ thuật gen trong nhận giống tạo giống chống chịu yếu tố bất thuận trong sản xuất.
• Các bài tập thực hành và thực tiễn trong mô hình trình diễn và thực hành về cách chọn giống trong điều kiện chống chịu nhiệt độ cao và hạn hán trên đồng ruộng.
• Đánh giá khóa đào tạo, trình bày kế hoạch hành động, đề xuất và theo dõi.
Mô-đun 2: Chiến lược quản lý diêm mạch trong điều kiện mặn
• Khái niệm tích hợp nông nghiệp thực tiễn trong sản xuất cây diêm mạch.
• Quản lý đất trồng, sử dụng hiệu quả nước và phân bón.
• Công nghệ sản xuất và quản lý cây trồng.
• Chiến lược quản lý sâu bệnh và dịch bệnh tổng hợp.
• Quản lý nông nghiệp bền vững.
• Cải thiện hoạt động và năng suất nông nghiệp.
• Đào tạo về thử nghiệm diêm mạch về quản lý cây trồng và quản lý sâu bệnh tổng hợp và công nghệ sau khi thu hoạch.
• Đánh giá, kế hoạch hoạt động, đề nghị và theo dõi.
Mô-đun 3: Phát triển chuỗi giá trị diêm mạch
• Khái niệm về chuỗi giá trị
• Bản đồ chuỗi giá trị
• Từ phân tích chuỗi đến phát triển chuỗi giá trị
• Phân tích chuỗi giá trị và các công cụ để thực hiện đánh giá VCA
• Công cụ đánh giá chẩn đoán nhanh
• Nhiệm vụ của các nhóm nghiên cứu thực địa
• Đánh giá, kế hoạch hành động, đề xuất và theo dõi
Tại các buổi tập huấn đã có các phiên tham luận diễn ra sôi nổi giữa học viên và các chuyên gia Hà Lan về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật canh tác, sản xuất, quản lý dịch bệnh, phân tích, phát triển và nâng cao chuỗi giá trị diêm mạch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam, cũng như khả năng ứng dụng tại Việt Nam với các nội dung được trình bày bởi:
1. TS. Robert van Loo: Trưởng bộ môn tạo giống chống chịu, nghiên cứu viên cao cấp tại trường Đại học Wagenigen, Hà Lan; có 32 năm kinh nghiệm trong chọn tạo giống diêm mạch, phát triển chuỗi giá trị; có kinh nghiệm đào tạo và tập huấn tại Hà Lan, Châu Âu, Nam Mĩ, và châu Á
2. TS. Daniel Danial: trưởng bộ phận phát tiển nguồn nhân lực công nghệ sinh học, 40 năm tại Viện nghiên cứu cây trồng, trường Đại học Wagenigen, Hà Lan; nhiều năm kinh nghiệm về chọn tạo giống cây trồng có khả năng kháng bệnh bền vững; có kinh nghiệm tập huấn tại Hà Lan, Châu Âu, Nam Mĩ, và châu Á
3. TS. Angela Machacilla: 22 năm công tác tại trường Đại học Wagenigen, Hà Lan; nhiều năm kinh nghiệm tổ chức các khoá tập huấn quốc tế; đã tham gia tập huấn tại Hà Lan, Châu Âu, Nam Mĩ, và châu Á
4. Mr. Rene van Rensen – Fresh Studio – Vietnam; nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn về phát triển các giống cây trồng mới, phát triển nông nghiệp tuần hoàn và phát triển chuỗi giá trị bền vững; xuất nhập khẩu nông sản và có kinh nghiệm tập huấn tại Hà Lan, Châu Âu, Nam Mĩ, và châu Á
04 chuyên gia Hà Lan: TS. Daniel Danial, TS. Angela Machacilla, TS. Robert van Loo và TS. Rene van Rensen thứ tự từ trái sang phải |
Sau các buổi học trực tuyến, các học viên có các buổi thực hành đo các chỉ số cây diêm mạch tại khu nhà lưới của Học viện. Sau đó, Ban Tổ chức đã tổ chức chuyến đi tham quan thực địa mô hình canh tác cây diêm mạch tại địa phương.
Buổi thực hành của các học viên tại khu nhà lưới Học viện Nông nghiệp Việt Nam |
Đoàn tham quan mô hình trồng cây diêm mạch tại tỉnh Phú Thọ |
Ngày cuối cùng của Khóa tập huấn được kết thúc bằng buổi thuyết trình bài thu hoạch nhóm. Những bài thu hoạch ấn tượng của các học viên và sinh viên tham dự được ban tổ chức xếp loại và đánh giá cao.
Buổi chuẩn bị bài thu hoạch nhóm của các học viên tham dự Khóa tập huấn |
Khóa tập huấn đã diễn ra thành công và hoàn thành tốt mục tiêu gắn kết, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, cũng như việc mở rộng mạng lưới liên kết giữa các trường Đại học tại Việt Nam trong việc hợp tác, nâng cao kỹ năng và kiến thức, kỹ thuật canh tác và quản lý dịch bệnh, phân tích và phát triển chuỗi giá trị cây diêm mạch tại Việt Nam, cũng như thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại bền vững cho Việt Nam.
Sau khoá tập huấn, Đại học Wageningen và Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình để phát triển cây diêm mạch tại vùng ĐB Sông cửu Long nhằm hiện thực hoá biên bản thoả thuận hợp tác về nâng cao năng lực trong lĩnh vực tạo giống cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu đã ký kết năm 2022 (https://nhandan.vn/tang-cuong-hop-tac-nong-nghiep-voi-cac-to-chuc-truong-dai-hoc-cua-ha-lan-post729559.html).