Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense (Foc)

Ngày 15/8/2024, tại phòng họp Hoa Sứ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense (Foc) gây bệnh héo vàng lá chuối tại tỉnh Hưng Yên” do TS. Phạm Thị Dung – Khoa Công nghệ sinh học làm chủ nhiệm.

Hội đồng nghiệm thu là các nhà khoa học, chuyên gia cùng lĩnh vực: PGS.TS. Nguyễn Văn Giang – chủ tịch Hội đồng, cùng các thành viên trong Hội đồng gồm: TS. Phùng Thị Thu Hà (khoa Nông học) – Phản biện 1, ủy viên; ThS. Ngô Văn Dũng (Viện Bảo vệ thực vật) – Phản biện 2, ủy viên; ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai (Viện Ứng dụng Công nghệ) – Ủy viên;  ThS. Trần Thị Hồng Hạnh – Thư ký, ủy viên; ThS. Lê Xuân Chinh (Ban Khoa học và Công nghệ) – Thư ký hành chính cùng sự có mặt của ông Trần Duy Tùng (Phó trưởng ban Khoa học và Công nghệ) và các thành viên tham gia đề tài.

 Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense (Foc) gây bệnh héo vàng lá chuối tại tỉnh Hưng Yên”

Hưng Yên là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Với tiềm năng và lợi thế về vị trí địa lý, đất đai màu mỡ, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp, nền nông nghiệp Hưng Yên phát triển sản xuất quy mô hàng hóa, với các loại nông sản có lợi thế cạnh tranh cao như cây nhãn, gà Đông Tảo, cây vải, cây chuối, cây có múi, cây nghệ… Đặc biệt trong những năm gần đây, cây chuối được quan tâm phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Các cơ quan chức năng đã hỗ trợ người dân chuyển đổi phương thức canh tác, trồng chuối theo quy trình Vietgap giúp nâng cao giá trị sản phẩm cao gấp 1,2 – 1,5 lần so với sản phẩm thông thường. Chuối đem lại lợi ích kinh tế cao, tuy nhiên người trồng chuối cũng gặp không ít khó khăn do sâu bệnh gây hại làm thiệt hại rất lớn thậm chí mất trắng. Một trong những bệnh hại trên chuối nguy hiểm nhất là bệnh héo vàng Panama (Fusarium oxyporum f. sp.  cubense). Bệnh héo vàng lá chuối thường gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây nhưng mạnh nhất ở giai đoạn trưởng thành, ra hoa tạo quả làm cho cây bị héo vàng rồi chết. Bệnh làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng của quả, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho nguời nông dân.

Nhận rõ được vấn đề nghiêm trọng, tháng 4/2022, Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên đã đặt hàng với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về việc thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense (Foc) gây bệnh héo vàng lá chuối tại tỉnh Hưng Yên”.

Sau hơn 2 năm nghiên cứu, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các kết quả như sau:

(1) Điều tra, khảo sát diện tích trồng chuối và sản lượng chuối tại tỉnh Hưng Yên trong 2-3 năm tiếp.

 Hình 2. Kết quả tái lây nhiễm của 06 chủng nấm sau 20 ngày

 

 Hình 3. Cây phân loại chủng nấm KC1

(2) Phân lập và làm thuần được 24 chủng nấm từ 110 mẫu có triệu chứng bệnh héo vàng tại Hưng Yên. Trong đó 12 chủng nấm phân lập được tại huyện Khoái Châu, 9 chủng tại Kim Động và 3 chủng tại thành phố Hưng Yên.

 Hình 4. Khả năng đối kháng nấm KC1 của dịch nuôi cấy các chủng xạ khuẩn

 

 Hình 5. Khả năng đối kháng nấm KC1 của dịch chiết tế bào các chủng xạ khuẩn

(3) Hoạt tính dịch nuôi và dịch chiết tế bào của ba chủng xạ khuẩn XK27, XK83, XK148 có khả năng ức chế mạnh sự phát triển của nấm Foc Tr4-KC1. Cụ thể, tỉ lệ ức chế đối với dịch nuôi lần lượt là 42,68 ± 2,01%; 38,76 ± 1,98%; 48,63 ± 1,02%; và dịch chiết tế bào lần ượt là: 52,03 ± 2,36%; 41,91 ± 3,01%; 53,85 ± 1,96%; Đã xác định được điều kiện nuôi cấy (môi trường dinh dưỡng, nhiệt độ, pH, độ thông khí) phù hợp để chủng sinh vật đã tuyển chọn sinh hoạt chất kháng nấm Foc Tr4-KC1 cao.

 Hình 6. Quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh đa chủng từ các chủng xạ khuẩn tuyển chọn XK27, XK83, XK148 để phòng trừ bệnh héo vàng do nấm Foc gây ra trên chuối tại Hưng Yên

4) Đã nghiên cứu xác định được quy trình sản xuất và đánh giá được hiệu quả chế phẩm phòng trừ nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense (foc) gây bệnh héo vàng lá chuối tại tỉnh Hưng Yên từ 03 chủng xạ khuẩn.

 Hình 7. Đoàn công tác thăm quan, đánh giá mô hình

 

Hình 8. Quy trình sử dụng chế phẩm sinh học XC79 trong phòng trừ nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense (foc) gây bệnh héo vàng lá chuối

(5) Xây dựng được quy trình sử dụng chế phẩm XC79 trên chuối đạt hiệu quả cao và mô hình sử dụng chế phẩm XC79 trên chuối từ đó tính được hiệu quả của việc sử dụng chế phẩm so với việc không sử dụng.

Sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện, Hội đồng đã đưa ra nhận xét, kết quả nghiên cứu đã đạt được mục tiêu đề ra, có tính cấp thiết, tính mới và khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao. Về kết quả đánh giá, xếp loại của Hội đồng nghiệm thu đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở mức “đạt”.