3 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất của Hà Nội và Học viện Nông nghiệp Việt Nam bàn phương án hợp tác

Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất (TP.Hà Nội) trong giai đoạn 2024 – 2025, từ đó góp phần phát huy tiềm năng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao của 3 địa phương này.

Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất ưu tiên nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm

Trực tiếp đi tham  quan các khu vực khảo nghiệm, phòng nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam như Viện Sinh học nông nghiệp,  Bệnh viện cây trồng, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây lược liệu,  Viện Nghiên cứu vi tảo và dược mỹ phẩm, Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc và đổi mới sáng tạo, ông Lê Minh Đức, Bí thư Huyện ủy huyện Thạch Thất vô cùng ấn tượng, bởi các đối tượng giống cây trồng, vật nuôi, các mô hình Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, khảo nghiệm rất phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của Thạch Thất.

Trong vài năm trở lại đây, nông dân huyện Thạch Thất đã tích cực chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm (rau, hoa ngắn ngày), cây lâu năm (bưởi, nho, mít, ổi…), hoặc nuôi trồng thủy sản, vừa giúp giải quyết được tình trạng bỏ ruộng không gieo trồng, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa.

 GS.TS.Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam; TS.Cao Đức Phát, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ; ông Lê Minh Đức, Bí thư Huyện ủy huyện Thạch Thất; ông Phùng Khắc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cùng chủ trì, bàn về các phương án hợp tác giữa Học viện và 3 huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai.

Tại các xã Đại Đồng, Phú Kim, Dị Nậu…, nông dân chuyển đổi sang trồng rau, hoa cho thu nhập từ 250 đến 450 triệu đồng/ha/năm. Còn các xã Yên Bình, Lại Thượng, Kim Quan, Bình Yên, Yên Trung… chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả (bưởi, ổi, chuối, đu đủ, thanh long ruột đỏ…) cho thu nhập từ 350 đến 450 triệu đồng/ha/năm.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao giá trị nông sản; mở rộng các mô hình nông nghiệp an toàn, VietGAP, hữu cơ…”, ông Đức nói.

Trong khi đó, huyện Chương Mỹ đã xây dựng Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông sản sạch; Tiếp tục phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao, tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp huyện Chương Mỹ giai đoạn 2021- 2025″, với mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, giá trị cao; xây dựng bộ giống lúa, cây màu chất lượng cao không những mang lại giá trị cao về dinh dưỡng, có thể dùng làm dược liệu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người nông dân như: Phát triển các giống lúa hữu cơ ST25, Japonica, Bắc thơm số 7, Bao thai, các giống lúa thảo dược, giống ngô nếp tím, giống lạc đen…;

Xây dựng các mô hình trọng điểm trong sản xuất nông nghiệp gắn với việc hình thành các vùng chuyên canh tập trung, sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; hình thành vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại thị trấn Chúc Sơn, xã Thụy Hương; phát triển sản xuất lúa hữu cơ, vùng sản xuất cây ăn quả, cây dược liệu theo hướng hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm; nhân rộng các mô hình chăn nuôi; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch,…

Tương tự như vậy, nông nghiệp huyện Quốc Oai được chia làm 3 vùng: vùng ven sông Đáy, vùng Vàn, vùng bán sơn địa. Với đặc điểm địa hình nh­ư trên, huyện Quốc Oai có thể phát triển đa dạng 3 lĩnh vực: nông, lâm, thủy sản.

Thời gian qua, huyện Quốc Oai đã xây dựng chuỗi giá trị lúa cá hoặc lúa tôm; chuỗi giá trị thủy sản truyền thống; chuyển giao một số giống lúa mới và đẩy mạnh một số khâu cơ giới hóa trong sản xuất lúa; đưa nhiều giống cây ăn quả, ứng dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất.

 GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV nhấn mạnh sẽ ưu tiên hợp tác đào tạo, chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn với 3 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.

Do vậy, tại buổi làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại diện Huyện ủy, UBND 3 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất bày tỏ mong muốn được Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục có các chương trình, dự án hỗ trợ 3 huyện phát triển nông nghiệp, nông thôn đúng như định hướng, mục tiêu đã đề ra.

Ưu tiên hợp tác đào tạo, chuyển giao công nghệ

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV nhấn mạnh, những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp như: Chương trình trọng tâm số 01/CTr-UBND ngày 10/01/2023; Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 03/2/2023 của Thành ủy Hà Nội; Kế hoạch số 187/KH-UBND ngày 10/7/2023 của UBND Thành phố…

Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 trên địa bàn thành phố tăng 2,74% so với năm 2022; giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2023 đạt 41.681 tỷ đồng; tính đến hết năm 2023, toàn thành phố có 2.717 sản phẩm OCOP; trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ; 159 chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản.

 TS.Nguyễn Công Tiệp, Phó Giám đốc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu với ông Lê Minh Đức, Bí thư Huyện ủy huyện Thạch Thất (thứ tư từ phải sang) công nghệ sản xuất khí canh của Học viện.

Đặc biệt, trên địa bàn 3 huyện Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình nuôi trồng thủy sản sông trong ao nuôi cá với mật độ cao tại huyện Chương Mỹ (năng suất tăng 6-8 lần so với nuôi thông thường); mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm (rau, hoa ngắn ngày), cây lâu năm (bưởi, nho, mít, ổi…) tại huyện Thạch Thất; mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao huyện Quốc Oai…

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp các địa phương vẫn còn có những tồn tại như: Vùng sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn còn ít; lực lượng lao động nông nghiệp chủ yếu là người lớn tuổi, sản xuất vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm…

“Để tiếp tục góp phần phát triển nông nghiệp Thủ đô nói chung và các huyện Thạch Thất, Quốc Oai và Chương Mỹ nói riêng theo hướng hiện đại, toàn diện và bền vững, đồng thời cũng để thực hiện chương trình hành động của Đại biểu Quốc hội, đồng thời căn cứ vào nhu cầu hợp tác và thế mạnh của các bên, Học viện đề nghị thời gian tới hai bên tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ, bảo quản, chế biến, xây dựng chuỗi giá trị; phối hợp xây dựng thí điểm các mô hình nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN gắn với bảo vệ môi trường, hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn và bền vững; phối hợp tổ chức Hội nghị KH&CN và triển khai các dịch vụ xã hội (chẩn đoán xét nghiệm, phòng trừ dịch bênh trên cây trồng, vật nuôi, xử lý môi trường…); phối hợp đào tạo kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp cho Học sinh THPT; phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, chương trình hợp tác trong nước và quốc tế phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các huyện”, GS.TS Nguyễn Thị Lan gợi mở một số nội dung đẩy mạnh hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và 3 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.

Tại Hội nghị, các đại biểu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, 3 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất đã có những ý kiến đóng góp để đạt được mục tiêu đề ra, góp phần phát triển nông nghiệp của 3 huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

Theo https://danviet.vn/