Ngày 4/8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía Nam để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Nghị quyết của Đảng đưa ra 3 đột phá, gồm đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng và đột phá về nhân lực. Hôm nay, chúng ta nói về nhân lực, đặc biệt nhân lực do ngành nông nghiệp để phục vụ cho chiến lực phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ba công nghệ nền tảng chủ đạo: tự động hóa, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra nhiều thách thức cho nguồn nhân lực, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Điều này đòi hỏi trình độ nguồn nhân lực phải bắt kịp với xu thế phát triển của ngành công nghệ để đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất, quản lý và tiêu dùng. Thực tế, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp 4.0 đã và đang tác động toàn diện đến mọi mắt xích trong chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm nói chung. Một số tác động hiện hữu có thể kể đến: ứng dụng công nghệ tự động hóa, Big data, AI trong trồng trọt và chăn nuôi; ứng dụng AI, Blockchain trong truy xuất nguồn gốc, dự báo nhu cầu, lập kế hoạch sản xuất và phân phối.
GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: “Hằng năm, chúng tôi đóng góp nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn rất lớn. Đặc biệt, chúng tôi đang chú trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành nông nghiệp phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhà nước. Vì vậy, hội nghị hôm nay là cơ hội để các cơ sở đào tạo được thảo luận, lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng để cùng tháo gỡ khó khăn, xây dựng và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thế giới nghề nghiệp”.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, nguồn nhân lực được coi là một trong các yếu tố quyết định đảm bảo cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sau 30 năm đổi mới đã mang lại cho đất nước một diện mạo với sự phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội ổn định. Tuy nhiên, với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và tiếp cận nền kinh tế tri thức hiện nay, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trí lực có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển bền vững.
Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng lao động còn rất thấp, yếu kém, bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề. Biểu hiện của tình trạng đó chính là một bộ phận không nhỏ sinh viên ra trường không tìm được việc làm trong khi các doanh nghiệp, các khu công nghiệp lại thiếu trầm trọng lao động đã qua đào tạo theo đúng nhu cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao… Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á; chỉ số cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam đạt 3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế xếp thứ 73/133 quốc gia được xếp hạng.
Ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm, Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội nhận định: “Phát triển kinh tế luôn đồng hành cùng sự phát triển thị trường lao động. Tuy vậy, những con số về thị trường lao động năm 2022 đặt ra nhiều thách thức trong kỳ vọng phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Cụ thể, năm 2022 lượng lao động đạt 51,6 triệu người. Đáng chú ý, trong đó chỉ có 26,1% tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, với 5% lao động có thể dùng tiếng Anh giao tiếp để làm việc. Còn lại, hơn 70% lao động không có trình độ lao động chuyên môn. Con số này cho thấy, đã đến lúc chúng ta cần phải tiến hành đánh giá toàn diện về thị trường lao động”.
Theo thống kê Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2005 – 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp vùng Đông Nam bộ tiếp tục phát triển tốc độ khá, tăng bình quân 4,63%/năm. Đông Nam bộ đứng đầu cả nước về sản lượng cao su, điều, lợn… tỷ lệ che phủ rừng của vùng 19,42%. Đến hết năm 2021, vùng Đông Nam bộ đã có 368/425 xã (86,59%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 44,21% so với năm 2015), là vùng có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đứng thứ 2 trong cả nước, cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước.
Đối với ĐBSCL, đây là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, hàng năm sản xuất trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây, 95% sản lượng gạo xuất khẩu. Vùng đất này được ca ngợi là “vựa lúa”, “vựa trái cây” và “vựa tôm – cá” của Việt Nam, với đóng góp trung bình 33,54% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP chung của vùng. Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP nông nghiệp ĐBSCL giai đoạn 2004 – 2020 đạt 4,6% cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (3,76%).
Trong thời gian qua, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong vùng đã đạt được những kết quả quan trọng. Nếu như năm 2011, vùng ĐBSCL chỉ có 13 cơ sở giáo dục đại học thì đến năm 2020 đã tăng lên 21 cơ sở giáo dục đại học, với quy mô đào tạo gần 150.000 sinh viên. Đối với vùng Đông Nam bộ, quy mô đào tạo 516.797 sinh viên, với tỷ lệ 30,2% – đứng thứ hai của cả nước.
Trong số các trường đại học đóng trên địa bàn hai vùng, có nhiều trường đào tạo về nông, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, bao gồm: Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn Hiến, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Kiên Giang, Trường Đại học Đồng Tháp, Phân hiệu Đại học Lâm nghiệp, Phân hiệu Đại học Thủy Lợi… với các chuyên ngành: bảo vệ thực vật, chăn nuôi, lâm học, lâm nghiệp đô thị, nông học, nuôi trồng thủy sản, công nghệ chế biến thuỷ sản, bệnh học thuỷ sản, quản lý tài nguyên rừng, công nghệ chế biến lâm sản, thú y, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, công nghệ sinh học nông nghiệp…
Cùng với hệ thống các trường đại học, hiện nay cũng có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tham gia đào tạo nhân lực phục vụ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong vùng, như các trường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các trường cao đẳng, trường trung cấp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thuộc các tỉnh, thành phố.
Trong giai đoạn 2016 – 2022, 4/28 trường cao đẳng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đào tạo lao động cho các tỉnh Nam bộ với các trình độ: cao đẳng gần 15.000 người, trung cấp trên 41.000 người; sơ cấp và dạy nghề thường xuyên gần 53.000 người. Ngoài ra, thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các tỉnh trong vùng đã đào tạo ở các cấp với số lượng là 3.092 người trình độ cao đẳng; 11.702 người trình độ trung cấp, 138.149 người trình độ sơ cấp và 390.136 người đào tạo dưới 3 tháng. Đào tạo nghề dưới 3 tháng vùng Đông Nam bộ là 57.807 người (bằng 7,17% cả nước); vùng ĐBSCL là 332.328 người (bằng 41,23% cả nước).
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp; sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành; triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và phối hợp thực hiện các chương trình dự án có liên quan của Bộ; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, Bộ cũng định hướng học nghề nông nghiệp và bổ trợ kiến thức nông nghiệp, trong đó triển khai học kỳ nông nghiệp cho các trường thuộc Bộ để trang bị kiến thức cơ bản về nông nghiệp, tình yêu đối với ngành nông nghiệp cho các ngành phục vụ nông nghiệp và các ngành phi nông nghiệp; đồng thời nghiên cứu và mở rộng mô hình thí điểm đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ trung cấp trong các trường cao đẳng của Bộ theo mô hình Nhật Bản dành cho học sinh hết phổ thông cơ sở, bảo đảm học sinh tốt nghiệp có kiến thức về văn hóa, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp, có đủ năng lực làm việc ở các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước, đi làm việc ở nước ngoài hoặc tiếp tục học lên bậc học cao hơn
Mạnh Linh/Báo Tin tức